TỘI LÀM GIẢ CON DẤU, TÀI LIỆU CỦA CƠ QUAN, TỔ CHỨC THEO QUY ĐỊNH MỚI NHẤT| LUẬT SƯ BÀO CHỮA ÁN HÌNH SỰ

Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức theo quy định mới nhất được quy định tại Điều 341 Bộ luật hình sự năm 2015, được sửa đổi bổ sung năm 2017.
Quy định mới nhất về tội Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức. Mức hình phạt đối với tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức.
Những năm gần đây, tình hình tội phạm Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức ngày càng phức tạp. Nhiều vụ án người phạm tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức với mục đích gian dối, lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc bán con dấu, tài liệu giả cho người khác sử dụng lừa dối sự kiểm tra của cơ quan chức năng, thu lợi bất chính đã bị phát hiện xử lý. Vậy pháp luật quy định về tội Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức như thế nào. Luật Hải An xin gửi đến bạn bài viết về tội phạm này như sau:

Cấu thành tội Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức

Tội Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức được quy định tại Điều 341 Bộ luật hình sự năm 2015, được sửa đổi bổ sung năm 2017 với tên đầy đủ là: “Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”. Như vậy, Điều 341 Bộ luật hình sự hiện hành là tội ghép, bao gồm 04 tội là Tội làm giả con dấu, Tội làm giả tài liệu, Tội sử dụng con dấu giả, Tội sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức. Về cấu thành tội phạm của tội Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức được hiểu như sau:

Về khách thể của tội phạm:

Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức xâm phạm đến khách thể là sự hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức trong lĩnh vực quản lý hành chính nhà nước hoặc các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp khác trong xã hội.
Về chủ thể của tội phạm:
Chủ thể của Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức là bất kể người nào đủ chịu trách nhiệm hình sự (từ đủ 16 tuổi trở lên), đủ năng lực trách nhiệm hình sự mà thực hiện hành vi phạm tội thì đều có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội này.

Về mặt khách quan của tội phạm:

Hành vi khách quan của tội Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức chính là hành vi làm giả con dấu hoặc làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức. Cơ quan, tổ chức bị làm giả con dấu, tài liệu phải là cơ quan, tổ chức có thật. Nếu làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức không có thật thì không bị coi là phạm tội Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức. Việc làm giả giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức không có thật đương nhiên bị coi là hành vi gian dối, nếu sử dụng con dấu, tài liệu giả này vào việc chiếm đoạt tài sản thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Ví dụ: A nói với B rằng A là giám đốc của Công ty C chuyên mua bán hàng điện tử nhưng thực tế Công ty C không có thật. A làm giả con dấu của Công ty C để ký hợp đồng mua bán với B nhưng sau khi B đặt cọc tiền theo hợp đồng thì A không giao hàng cũng không trả lại tiền mà chiếm đoạt tiền của B. Trong trường hợp này, vì Công ty C không có thật nên hành vi của A không phạm tội Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức mà phạm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Việc A làm giả con dấu của Công ty C là thủ đoạn gian dối khiến cho B tin tưởng Công ty C là có thật và tin tưởng việc mua bán là thật nên đã ký hợp đồng, thanh toán tiền để A chiếm đoạt.
Cơ quan, tổ chức trong tội Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức phải là cơ quan, tổ chức có thật, tuy nhiên con dấu, tài liệu bị làm giả của cơ quan, tổ chức đó không nhất thiết phải là con dấu, tài liệu có thật trên thực tế.
Ví dụ: A làm giả một con dấu hình vuông của Cơ quan X thuộc Bộ Công thương nhưng trên thực tế Cơ quan X chỉ có con dấu hình tròn, không có con dấu hình vuông nào như con dấu bị A làm giả. Trong trường hợp này hành vi của A vẫn phạm tội Làm giả con dấu của cơ quan, tổ chức.

Về mặt chủ quan của tội phạm:

Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức được thực hiện dưới lỗi cố ý, người phạm tội biết rõ việc mình làm ra con dấu, tài liệu này là con dấu, tài liệu giả nhưng vẫn thực hiện.
Động cơ của việc phạm tội cũng không phải là yếu tố bắt buộc, thông thường người phạm tội thực hiện làm giả con dấu, tài liệu giả với động cơ, mục đích vì lợi ích vật chất. Tuy nhiên cũng có trường hợp người phạm tội làm giả con dấu, tài liệu giả không vì lợi ích vật chất mà có thể vì động cơ cá nhân như làm giả giấy khen, bằng khen để khoe khoang với người khác hoặc làm giả tài liệu của các cơ quan để làm hồ sơ tuyển sinh, tuyển dụng, du học …
Trường hợp người nào biết rõ con dấu, tài liệu mà mình đang quản lý là con dấu, tài liệu giả của cơ quan tổ chức nhưng vẫn sử dụng vào mục đích vi phạm pháp luật thì hành vi đó bị coi là phạm tội Sử dụng con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức.
Trên thực tế, hành vi làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức thường đi kèm với một số hành vi có thể cấu thành tội phạm khác. Do đó, tùy từng trường hợp cụ thể mà người phạm tội có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự thêm về tội phạm khác.
Ví dụ: A là cán bộ quản lý thuế được phân công phụ trách quản lý địa bàn các xã M, N, K huyện L tỉnh P. Tuy nhiên sau khi A có quyết định chuyển công tác về Hà Nội A làm giả quyết định của Chi cục thuế huyện L về việc phân công A phụ trách các xã Q, T, S huyện L. A sử dụng quyết định giả này đến kiểm tra các cơ sở kinh doanh trên địa bàn các xã Q, T, S và nhận tiền của một số cơ sở kinh doanh này để bỏ qua sai phạm. Trong trường hợp này hành vi của A phạm vào tội Giả mạo trong công tác.
Mức hình phạt của tội Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức
Tội Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức quy định tại Điều 341 Bộ luật hình sự năm 2015 có 03 khung hình phạt, nhẹ nhất là khoản 1 quy định phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 02 năm; nặng nhất là khoản 3 quy định hình phạt tù từ 03 đến 07 năm. Ngoài ra người phạm tội còn có thể phải chịu hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng. Cụ thể chi tiết như sau:
“Điều 341. Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức
1. Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 02 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Làm từ 02 đến 05 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác;
d) Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng;
đ) Thu lợi bất chính từ 10.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng;
e) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Làm 06 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác trở lên;
b) Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;
c) Thu lợi bất chính 50.000.000 đồng trở lên.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.”.

Hướng dẫn liên hệ, nhờ luật sư tư vấn, bào chữa

– Nếu bạn có nhu cầu tư vấn, giải đáp thắc mắc pháp luật, bạn vui lòng liên hệ với Công ty Luật Hải An
– Nếu bạn có nhu cầu mời luật sư bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp trong vụ việc đang mắc phải, bạn liên hệ trực tiếp với luật sư của chúng tôi để hẹn lịch làm việc tại văn phòng.
—————————————————
CÔNG TY LUẬT TNHH HẢI AN:
🔔Hotline: 090 229 3579 – 0915 220 884
📌Địa chỉ văn phòng: Tầng 3, số 69 phố Nguyễn Thị Định, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội.
—————————————————