MUỐN NHẬN TÀI SẢN THỪA KẾ THÌ PHẢI LÀM THẾ NÀO?| THỦ TỤC KHAI NHẬN THỪA KẾ| LUẬT SƯ TƯ VẤN PHÁP LUẬT THỪA KẾ

Câu hỏi: Tôi năm nay 50 tuổi, bố tôi đã mất năm 2015, mẹ tôi đã mất năm 2018. Bố mẹ tôi có một thửa đất, trên đất có nhà xây hai tầng. Khi bố tôi mất, bố tôi có di chúc bằng miệng cho tôi 100m2 đất trong tổng số 200m2 đất của bố mẹ tôi, còn phần còn lại sẽ để làm nhà thờ. Vậy nay tôi muốn nhận tài sản nhà đất thừa kế của bố mẹ tôi thì tôi phải làm thế nào? Thủ tục kê khai, khai nhận di sản thừa kế gồm các thủ tục gì? Tôi xin cung cấp thêm rằng tôi còn một người em trai nữa, ông bà nội ngoại hai bên cũng đã mất hết.

Trả lời: Cảm ơn anh đã tin tưởng Luật Hải An để tư vấn trong vụ việc nhận di sản thừa kế

Luật Hải An xin tư vấn dựa trên các thông tin của anh cung cấp về việc phân chia di sản thừa kế theo quy định của pháp luật hiện hành như sau:

Thứ nhất: Việc xác định di chúc bằng miệng của bố anh có hiệu lực pháp luật hay không?

Theo quy định của pháp luật: Điều 629 Bộ luật dân sự 2015 quy định Di chúc miệng

  1. Trường hợp tính mạng một người bị cái chết đe dọa và không thể lập di chúc bằng văn bản thì có thể lập di chúc miệng.
  2. Sau 03 tháng, kể từ thời điểm di chúc miệng mà người lập di chúc còn sống, minh mẫn, sáng suốt thì di chúc miệng mặc nhiên bị hủy bỏ.

Khoản 5 Điều 630 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định: “5. Di chúc miệng được coi là hợp pháp nếu người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng và ngay sau khi người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng, người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì di chúc phải được công chứng viên hoặc cơ quan có thẩm quyền chứng thực xác nhận chữ ký hoặc điểm chỉ của người làm chứng.”

Theo thông tin của anh cung cấp Luật Hải An hiểu rằng bố anh có di chúc miệng nhưng không được ghi chép lại và được công chứng, chứng thực theo quy định pháp luật.

Đồng thời bố anh tại thời điểm đó quyết định quyền định đoạt tài sản đối với cả phần của mẹ anh nên nội dung đó cũng không được pháp luật công nhận. Bố và mẹ anh nếu không có thỏa thuận nào khác thì sẽ được quyền sở hữu 50% diện tích thửa đất, tương đương 100m2.

Do đó, nội dung mà bố anh di chúc miệng lại cho anh không hợp pháp và không có giá trị pháp lý để thực hiện. Di sản thừa kế của bố mẹ anh sẽ được chia theo quy định của pháp luật. Anh và em trai anh sẽ là những  người thuộc hàng thừa kế thứ nhất và có quyền yêu cầu phân chia di sản thừa kế do bố mẹ anh để lại.

Thứ hai: Khai nhận di sản thừa kế cần các giấy tờ và thủ tục khai nhận di sản thừa kế thực hiện ở đâu? Thời gian thực hiện việc khai nhận di sản thừa kế theo quy định pháp luật.

Khi thực hiện việc khai nhận di sản thừa kế thì trong hồ sơ yêu cầu công chứng phải có giấy tờ chứng minh quan hệ huyết thống giữa anh em anh và bố mẹ anh theo quy định của pháp luật về thừa kế.

Công chứng viên phải kiểm tra để xác định người để lại di sản đúng là người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản và những người yêu cầu công chứng đúng là người được hưởng di sản; nếu thấy chưa rõ hoặc có căn cứ cho rằng việc để lại di sản và hưởng di sản là không đúng pháp luật thì từ chối yêu cầu công chứng hoặc theo đề nghị của người yêu cầu công chứng, công chứng viên tiến hành xác minh hoặc yêu cầu giám định.

Việc thụ lý công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản, văn bản khai nhận di sản phải được niêm yết trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày niêm yết.

Việc niêm yết do tổ chức hành nghề công chứng thực hiện tại trụ sở của UBND cấp xã nơi thường trú cuối cùng của người để lại di sản; trường hợp không xác định được nơi thường trú cuối cùng thì niêm yết tại nơi tạm trú có thời hạn cuối cùng của người đó.

Tổ chức hành nghề công chứng có trách nhiệm niêm yết việc thụ lý công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản, khai nhận di sản trước khi thực hiện việc công chứng.

Sau 15 ngày niêm yết, không có khiếu nại, tố cáo thì tổ chức công chứng chứng nhận văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế hoặc khai nhận thừa kế.

Sau khi công chứng văn bản thừa kế, người được hưởng di sản thực hiện thủ tục đăng ký quyền tài sản tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thuộc Phòng Tài nguyên và Môi trường cấp huyện nơi có đất.

Trên đây là ý kiến tư vấn của Luật Hải An đối với câu hỏi của anh, nếu anh còn vướng mắc hoặc có vấn đề gì chưa hiểu anh có thể liên hệ với Luật Hải An để được tư vấn cụ thể hơn. Luật Hải An là văn phòng luật sư giỏi tại Hà Nội trong lĩnh vực thừa kế, đất đai, thực hiện tất cả các vụ việc trên cả nước.

—————————————————
CÔNG TY LUẬT TNHH HẢI AN:
🔔Hotline: 090 229 3579 – 0915 220 884
📌Địa chỉ văn phòng: Tầng 3, số 69 phố Nguyễn Thị Định, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội.
—————————————————