Những người bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ hành vi, trong quá trình thực hiện các giao dịch dân sự sẽ không được đảm bảo.
Điều 22 Bộ luật dân sự 2015 quy định về người mất năng lực hành vi dân sự (NLHVDS): “Khi một người do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án ra quyết định tuyên bố người này là người mất năng lực hành vi dân sự trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần”. Như vậy, cơ sở để xác định một người bị mất NLHVDS phải đảm bảo các điều kiện:
- Thứ nhất, người đó mắc bệnh tâm thần hoặc các bệnh khác và những bệnh này làm cho chủ thể mắc bệnh mất khả năng nhận thức và điều khiển hành vi.
- Thứ hai, phải có yêu cầu của người có quyền và lợi ích liên quan của người đó hoặc tổ chức, cơ quan hữu quan yêu cầu Tòa án tuyên bố người bị mắc các bệnh nói trên là mất NLHVDS.
- Thứ ba, phải có kết luận của tổ chức giám định pháp y tâm thần về việc người bị yêu cầu tuyên bố mất NLHVDS đã mắc bệnh đến mức không thể nhận thức và điều khiển hành vi của mình chưa.
Theo Bộ luật dân sự 2015 và Bộ luật TTDS 2015 có thể xác định: Việc tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự là việc dân sự bởi đây là việc cơ quan, tổ chức, cá nhân không có tranh chấp nhưng có yêu cầu tòa án công nhận một sự kiện pháp lý là căn cứ làm phát sinh quyền, nghĩa vụ dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động của mình hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khác.
Việc Tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự (NLHVDS) được thực hiện theo các thủ tục sau đây:
-
1. Thủ tục yêu cầu tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự.
1.1. Kiểm tra đơn yêu cầu
- Về đơn yêu cầu:
Đơn yêu cầu phải có đầy đủ các nội dung được quy định tại khoản 2 Điều 363 Bộ luật TTDS 2015. Nếu đơn yêu cầu chưa ghi đầy đủ nội dung theo quy định tại Khoản 2 Điều 362 Bộ luật TTDS 2015 thì Thẩm phán yêu cầu người yêu cầu sửa đổi, bổ sung trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu.
“Đơn yêu cầu phải có các nội dung chính sau đây:
- a) Ngày, tháng, năm làm đơn;
- b) Tên Tòa án có thẩm quyền giải quyết việc dân sự;
- c) Tên, địa chỉ; số điện thoại, fax, địa chỉ thư điện tử (nếu có) của người yêu cầu;
- d) Những vấn đề cụ thể yêu cầu Tòa án giải quyết và lý do, mục đích, căn cứ của việc yêu cầu Tòa án giải quyết việc dân sự đó;
đ) Tên, địa chỉ của những người có liên quan đến việc giải quyết việc dân sự đó (nếu có);
- e) Các thông tin khác mà người yêu cầu xét thấy cần thiết cho việc giải quyết yêu cầu của mình;
- g) Người yêu cầu là cá nhân phải ký tên hoặc điểm chỉ, nếu là cơ quan, tổ chức thì đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức đó phải ký tên và đóng dấu vào phần cuối đơn; trường hợp tổ chức yêu cầu là doanh nghiệp thì việc sử dụng con dấu được thực hiện theo quy định của Luật Doanh nghiệp”.
- Về thủ tục sửa đổi, bổ sung đơn yêu cầu:
Khi đơn yêu cầu không có đầy đủ các nội dung yêu cầu thì Thẩm phán thông báo bằng văn bản nêu rõ những vấn đề cần sửa đổi, bổ sung cho người yêu cầu để họ sửa đổi, bổ sung trong thời hạn quy định.
- Nếu người yêu cầu đã sửa đổi, bổ sung đầy đủ thì Thẩm phán tiếp tục tiến hành thụ lý vụ việc dân sự.
- Nếu người yêu cầu không sửa đổi, bổ sung đơn yêu cầu theo yêu cầu trong thời hạn thì thẩm phán trả lại đơn yêu cầu và tài liệu, chứng cứ kèm theo cho người yêu cầu.
1.2. Điều kiện đối với người yêu cầu
Theo khoản 1 Điều 376 Bộ luật TTDS 2015, người có quyền yêu cầu tuyên bố một người mất NLHVDS là “ Người có quyền, lợi ích liên quan, cơ quan, tổ chức hữu quan có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi theo quy định của Bộ luật dân sự” và đồng thời các chủ thể này phải là những người có năng lực hành vi tố tụng dân sự.
1.3. Điều kiện về thẩm quyền giải quyết yêu cầu tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự
Về thẩm quyền của Tòa án: Theo quy định tại K1 Đ27, điểm a K2 Điều 35 Bộ luật TTDS 2015 thì Tòa án có thẩm quyền giải quyết yêu cầu tuyên bố một người mất NLHVDS là Tòa án nhân dân cấp huyện. Trong trường hợp có đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài hoặc cần phải ủy thác tư pháp cho cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài cho Tòa án nước ngoài thì thẩm quyền giải quyết thuộc về TAND cấp tỉnh.
Theo điểm a K2 Điều 39 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 thì Tòa án nơi người bị yêu cầu tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự cư trú, làm việc có thẩm quyền giải quyết yêu cầu tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự.
Như vậy, Tòa án có thẩm quyền giải quyết yêu cầu tuyên bố một người mất NLHVDS chủ yếu là Tòa án nhân dân cấp huyện nơi người bị yêu cầu tuyên bố mất NLHVDS cư trú.
1.4. Lệ phí yêu cầu giải quyết việc dân sự tại Tòa án
Nếu xét thấy đơn yêu cầu và tài liệu, chứng cứ kèm theo đã đủ điều kiện thụ lý thì Thẩm phán thông báo cho người yêu cầu về việc nộp lệ phí trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo nộp lệ phí, trừ trường hợp người đó được miễn hoặc không phải nộp lệ phí theo quy định của pháp luật về phí, lệ phí; Tòa án thụ lý đơn yêu cầu khi người yêu cầu nộp cho Tòa án biên lai thu tiền lệ phí yêu cầu giải quyết việc dân sự;
Trường hợp người yêu cầu được miễn hoặc không phải nộp lệ phí thì Thẩm phán thụ lý việc dân sự kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu. Các trường hợp này được quy định cụ thể tại khoản 1 Điều 12 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14.