Khi đầu tư kinh doanh các cửa hàng, quán ăn thì bạn nên lựa chọn hình thức thành lập công ty hay thành lập hộ kinh doanh để phù hợp?
Tôi là cá nhân đang có mong muốn mở một nhà hàng kinh doanh về ăn uống và cà phê tại quận Cầu Giấy, Hà Nội. Dự kiến về vốn góp khoảng 5 tỷ đồng cho toàn bộ kinh phí đầu tư, quy mô về nhân sự khoảng 10 người. Vậy cho tôi hỏi tôi nên lựa chọn loại hình kinh doanh nào cho phù hợp cũng như vẫn bảo đảm được việc thực hiện đúng theo quy định của pháp luật.
Việc lựa chọn loại hình khi đăng kí hoạt động với cơ quan nhà nước để bảo đảm sự ổn định, đúng pháp luật, đồng thời phù hợp với mong muốn của chủ sở hữu thuận tiện trong việc quản lý hoạt động là hết sức cần thiết. Do đó, bạn phải hiểu rõ ưu điểm, nhược điểm của từng loại hình thì có thể đưa ra lựa chọn phù hợp.
Công ty luật Hải An là đơn vị cung cấp dịch vụ pháp lý uy tín và chuyên nghiệp trong lĩnh vực doanh nghiệp hoạt động tại Hà Nội và các tỉnh thành trên cả nước. Chúng tôi sẽ tư vấn để bạn hiểu rõ hơn về các loại hình kinh doanh để bạn tự tìm hiểu và lựa chọn khi thấy phù hợp.
-
Thành lập Hộ kinh doanh và các vấn đề cần lưu ý.
Hộ kinh doanh do một cá nhân hoặc một tổ chức là công dân Việt Nam đủ 18 tuổi, có đủ năng lực hành vi dân sự hoặc do một gia đình làm chủ. Hộ kinh doanh chỉ được sử dụng dưới 10 lao động, đăng ký tại một địa điểm và chủ hộ kinh doanh phải chịu toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh.
Nếu các thành viên trong hộ gia đình đăng ký kinh doanh thì cần ủy quyền cho một thành viên làm đại diện hộ kinh doanh. Cá nhân, người được các thành viên ủy quyền làm đại diện sẽ là chủ hộ kinh doanh. Về ưu điểm của hộ kinh doanh
Các vấn đề cần lưu ý khi thành lập hộ kinh doanh
Hộ kinh doanh có các ưu điểm như sau
- So với công ty thì hộ kinh doanh có thủ tục thành lập tương đối đơn giản và không mất quá nhiều thời gian cũng như chi phí.
- Vì số lượng ít, chủ yếu là các thành viên trong cùng hộ gia đình nên quản lý dễ dàng.
- Không bị ràng buộc về vốn, hộ kinh doanh có thể kinh doanh với số vốn ít hay nhiều, vậy nên hộ kinh doanh có khả năng quay vòng vốn nhanh tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình kinh doanh.
- Hộ kinh doanh có thể đóng mức thuế khoán cố định theo hàng tháng do cơ quan thuế quyết định và lệ phí môn bài sẽ phụ thuộc vào doanh thu của từng năm mà không phát sinh bất kì chi phí nào.
Về nhược điểm của hộ kinh doanh
- Quy mô nhỏ, mỗi hộ kinh doanh chỉ được sử dụng tối đa 10 lao động. Đây là số lượng ít làm hạn chế khả năng mở rộng, phát triển của hộ kinh doanh.
- Chỉ được đăng ký kinh doanh tại một địa điểm, không được mở thêm địa điểm kinh doanh hay chi nhánh nào khác.
- Không có tư cách pháp nhân nên khi tham gia vào các giao dịch sẽ mang tư cách một cá nhân, do đó địa vị pháp lý của hộ kinh doanh không được chặt chẽ.
- Tất cả các thành viên trong hộ kinh doanh phải chịu trách nhiệm toàn bộ tài sản đối với hoạt động kinh doanh của hộ.
- Khả năng huy động vốn thấp vậy nên hộ kinh doanh chỉ có thể tự xoay sở nguồn vốn hoặc đi vay của các cá nhân, tổ chức khác.
- Hộ kinh doanh không được xuất hóa đơn đỏ, muốn xuất hóa đơn cho khách thì cần liên hệ Cơ quan thuế quản lý để mua và số lượng mua cũng bị hạn chế.
- Khi muốn thay đổi quy mô, các ngành nghề kinh doanh khác hoặc mong muốn là một pháp nhân độc lập thì hộ kinh doanh phải chuyển đổi loại hình sang hình thức doanh nghiệp.
-
Thành lập công ty và các vấn đề cần lưu ý
Thành lập công ty là một tổ chức có tên riêng, có trụ sở giao dịch, tài sản và được thành lập hoặc đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật nhằm mục đích kinh doanh.
Theo Luật Doanh nghiệp 2020, các loại hình doanh nghiệp được quy định rõ như sau:
+ Công ty TNHH: Công ty TNHH bao gồm Công ty TNHH một thành viên do 1 tổ chức hay một cá nhân làm chủ sở hữu; Công ty TNHH 2 thành viên trở lên và tối đa là 50 tổ chức hoặc tổ chức làm thành viên. Thành viên công ty TNHH chỉ chịu trách nhiệm trong phạm vi số vốn đã góp khi liên quan đến các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty.
+ Công ty cổ phần: là loại hình doanh nghiệp đặc thù mà vốn điều lệ được chia thành nhiều phần bằng nhau được gọi là cổ phần. Cá nhân hoặc tổ chức có thể là cổ đông của công ty và số lượng tối thiểu là 3 cổ đồng và không giới hạn tối đa.
+ Công ty hợp danh: là doanh nghiệp có tối thiểu hai thành viên hợp danh, có thể có thêm thành viên góp vốn ngoài các thành viên hợp danh. Thành viên góp vốn có thể là cá nhân, tổ chức, chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ công ty chỉ giới hạn trong phạm vi họ đã góp vốn, còn thành viên hợp danh phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về toàn bộ tài sản của mình về các nghĩa vụ của công ty.
+ Doanh nghiệp tư nhân: là doanh nghiệp thuộc quyền sở hữu của một cá nhân và tự chịu trách nhiệm về toàn bộ tài sản của mình. Một doanh nghiệp tư nhân chỉ có thể được thành lập bởi một cá nhân. Chủ doanh nghiệp tư nhân không được đồng thời là chủ hộ kinh doanh hoặc thành viên hợp danh trong công ty hợp danh.
Về ưu điểm của loại hình công ty
- Có tư cách pháp nhân (trừ doanh nghiệp tư nhân), có con dấu pháp nhân và được phép xuất hóa đơn đỏ.
- Không bị giới hạn về số lượng lao động và ngành nghề kinh doanh.
- Chủ sở hữu chỉ chịu trách nhiệm về phần tài sản đã góp vào công ty, chứ không phải lấy tài sản cá nhân để chịu trách nhiệm cho công ty (trừ doanh nghiệp tư nhân).
- Khả năng huy động vốn cao hơn so với hộ kinh doanh vì công ty có thể phát hành cổ phiếu, trái phiếu, tăng khả năng đi vay các tổ chức tín dụng và số thành viên góp vốn cũng cao hơn so với hộ kinh doanh.
- Được phép mở rộng kinh doanh như mở thêm chi nhánh hay địa điểm kinh doanh tại địa chỉ khác.
- So với các mô hình kinh doanh khác thì công ty sẽ được ưu đãi hơn về vay vốn.
- Công ty có nhiều người đại diện theo pháp luật và mỗi người sẽ chịu trách nhiệm theo pháp luật về một mảng nhất định.
Về nhược điểm của loại hình công ty
- Chế độ kế toán, kế toán, kiểm toán phức tạp và doanh nghiệp cũng phải đóng nhiều loại thuế hơn so với hộ kinh doanh.
- Thủ tục thành lập công ty khá phức tạp, phải chuẩn bị các tài liệu và hồ sơ theo quy định tại Nghị định 78/2015/NĐ-CP và nộp cho cơ quan đăng ký để giải quyết.
- Vì công ty sử dụng nhiều lao động với quy mô lớn nên việc quản lý người lao động trở nên khó khăn hơn.
- Trong trường hợp một số loại hình công ty có số lượng lớn thành viên góp nhiều vốn dẫn đến việc kiểm soát các thành viên trở nên khó khăn, có thể dẫn đến một số thành viên xung đột nhau về mặt lợi ích.
Đối chiếu với mong muốn nêu trên của bạn, nếu đơn vị kinh doanh của bạn có nhiều hơn 10 lao động thì bạn nên thành lập công ty, loại hình công ty bạn có thể lựa chọn công ty TNHH 1 thành viên nếu chỉ có bạn là chủ sở hữu. Còn nếu đơn vị kinh doanh của bạn có ít hơn 10 lao động thì bạn có thể lựa chọn thành lập hộ kinh doanh để đơn giản hóa các thủ tục liên quan đến các báo cáo, hoạt động của loại hình công ty cũng như các vấn đề liên quan đến nghĩa vụ về thuế theo quy định pháp luật.
Bạn cũng hoàn toàn có thể thành lập hộ kinh doanh khi thời gian đầu mọi hoạt động còn nhỏ hoặc sự quản lý chưa đầy đủ sau đó chuyển đổi loại hình kinh doanh sang công ty nếu có nhu cầu phát triển thêm về quy mô và thực hiện được các quyền của doanh nghiệp theo quy định pháp luật.